Not Available

Theo báo cáo của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh công bố ngày 26-7, đã có đến 3.719 ca tiêu chảy cấp được ghi nhận trong sáu tháng đầu năm ở TP.HCM, tập trung nhiều nhất ở huyện Bình Chánh. Trong số đó đã có hai trẻ tử vong vì căn bệnh này trong tháng 7-2014. Nhận thấy mức độ nguy hiểm của dịch tiêu chảy cấp đang ngày càng nghiêm trọng, Bộ Y tế đã đề nghị các tỉnh thành trên cả nước tích cực triển khai các hoạt động phòng chống bệnh dịch lây truyền qua đường tiêu hóa, nhất là dịch tiêu chảy cấp trong ngày 31-7 vừa qua.

Tiêu chảy cấp thường xảy ra ở điều kiện vệ sinh kém

Dịch tiêu chảy cấp gần đây nhất xảy ra từ năm 2007 đến 2009 tại 24 tỉnh thành, tập trung chủ yếu các tỉnh phía Bắc. Sáu năm qua, gần như không có ổ dịch tiêu chảy cấp nào được ghi nhận. Nhưng mới đây, Sở Y tế thành phố đã bắt đầu ghi nhận ổ dịch tiêu chảy cấp do E. Coli tại huyện Bình Chánh (TP. Hồ Chí Minh) nguyên nhân do điều kiện vệ sinh môi trường không đảm bảo, thiếu nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày.

Tin liên quan: Tiêu chảy cấp bệnh lạ mà quen, xem tại link https://www.pocarisweat.com.vn/tieu-chay-cap-benh-la-ma-quen-cho-nen-xem-thuong

Theo TS-BS Nguyễn Anh Tuấn, Phó khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Đồng 1 thì bệnh tiêu chảy cấp có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Ở trẻ em, bệnh dễ dẫn đến tử vong hơn do sức đề kháng còn yếu. Hiện đã có hai trẻ dưới 5 tuổi chết do tiêu chảy cấp trong tháng 7-2014.

Chúng ta cần cảnh giác bệnh khi gặp tình trạng đi ngoài phân lỏng hơn ba lần mỗi ngày, kèm theo các triệu chứng nôn, mất nước, rối loạn điện giải, mạch nhanh, huyết áp hạ, có khi không đo được huyết áp, tiểu tiện ít hoặc vô niệu, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Bệnh tiêu chảy có thể lây lan nhanh và gây thành dịch lớn, nhất là ở những khu vực đông dân cư, sử dụng chung nguồn nước ăn uống, sinh hoạt. Bệnh hay bùng phát vào mùa hè, khi thời tiết nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển.

Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy, trong đó có nguyên nhân do virus, vi khuẩn, nguy hiểm nhất là tiêu chảy do phẩy khuẩn tả (còn gọi là bệnh tả). Bệnh lây theo đường tiêu hóa qua thức ăn, nước uống nên trong điều kiện môi trường nước và thực phẩm không đảm bảo vệ sinh thì bệnh rất dễ xảy ra.

Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn cho biết những người dễ mắc bệnh tiêu chảy là dân cư tại những khu vực vùng ven thành phố, gần kênh rạch ô nhiễm. Nhiều hộ gia đình chưa chú ý xây dựng nhà vệ sinh, thậm chí đổ thẳng phân ra cống, mương, ao, hồ, sông, suối… gần nhà. Nông dân ở các khu vực này hay sử dụng phân tươi hoặc phân chưa được xử lý để tưới cây. Ăn phải các loại rau này cũng rất dễ bị tiêu chảy.

Người thành phố vẫn chưa bỏ được thói quen ăn đường phố, thậm chí nhiều hàng gánh bán gần các bãi rác vẫn có đông khách đến ăn. Một số người lại thích ăn thức ăn tái, sống. Các thói quen ăn uống này là điều kiện để lây nhiễm virus, vi khuẩn đường tiêu hóa.

Phòng tiêu chảy cấp bằng cách ăn chín, uống sôi

“Chúng ta cần chú ý phòng bệnh tiêu chảy cấp bằng cách tăng cường vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường, nhất là với đối tượng trẻ em”, BS Nguyễn Anh Tuấn cho biết. Mọi người cần thường xuyên rửa tay bằng xà bông và nước sạch, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Mỗi gia đình cần xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, không đi tiêu bừa bãi, không đổ rác thải, phân xuống ao, hồ, bảo đảm vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh. Hạn chế ra vào vùng đang có dịch như các xã huyện Bình Chánh.

Chúng ta cũng cần bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm bằng cách thực hiện ăn chín, uống sôi, tuyệt đối không uống nước lã. Không ăn các thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn chưa được chế biến và nấu chín, các thức ăn còn sống như gỏi cá, tiết canh, nem chua… Chọn mua thức ăn từ nguồn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tốt nhất là mua thực phẩm trong siêu thị hoặc ở những cửa hàng thực phẩm tươi sạch. Chúng ta cũng nên hạn chế tập trung ăn uống đông người trong vùng đang có dịch.

Nguồn nước được xem là nguyên nhân lây lan virus, vi khuẩn tiêu chảy phổ biến nhất. Vì vậy, người dân cũng lưu ý bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch trong từng hộ gia đình. Nguồn nước ăn uống, sinh hoạt phải được bảo vệ sạch sẽ, có nắp đậy, không để nguồn nước bẩn từ bên ngoài như ao, hồ, sông, suối… chảy vào. Một số nơi vùng ven như các quận 12, Thủ Đức, Bình Chánh, Bình Tân vẫn chưa có nguồn nước máy thì cần có máy lọc nước bơm trước khi sử dụng cho việc ăn uống.

Có thể bạn quan tâm: Muốn không bị tiêu chảy kéo dài, chớ nên kết hợp những món này với nhau xem tại: https://www.pocarisweat.com.vn/muon-khong-bi-tieu-chay-keo-dai-cho-dai-ket-hop-cac-mon-nay-voi-nhau

Chúng ta cần xử lý nguồn nước ăn uống và nước sinh hoạt trong khu vực có dịch bằng các hợp chất chứa clo theo đúng hướng dẫn và nồng độ quy định. Ở các khu vực thành thị cần kiểm tra chặt chẽ hệ thống đường ống dẫn nước máy, đảm bảo nồng độ clo dư trong nước máy cuối nguồn (đến các hộ gia đình) đúng tiêu chuẩn quy định.

Khi có người bị tiêu chảy cấp, cần phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời, không được để bệnh nhân ở nhà hoặc mua thuốc tự điều trị vì có thể nguy hiểm đến tính mạng và làm lây lan bệnh dịch sang cho gia đình và cộng đồng. Người thân sống cùng bệnh nhân tiêu chảy nên chú ý các biện pháp phòng ngừa cho bản thân và những người xung quanh bằng cách tuyệt đối tránh đổ phân, chất thải, nước giặt rửa và đồ dùng của người bệnh xuống giếng, ao, hồ, sông, suối…